Header Ads

Cách tối ưu hóa bài viết chuẩn seo với Google

Tối ưu hóa bài viết chuẩn seo giúp từ khóa của bạn dễ dàng lên top hơn. Sau đây hãy cùng tìm hiểu thế nào là một bài viết chuẩn seo với Google nhé!
toi uu hoa bai viet chuan seo
Người ta thường nói "Content is King" nhưng chưa chắc nội dung tốt đã có thứ hạng cao trên trang tìm kiếm. Nếu nội dung của bạn chất lượng và độc đáo cộng thêm việc được tối ưu hóa cho thân thiện với Google thì chắc chắn sẽ đạt thứ hạng cao (nếu như nỗ lực Off Page là ngang nhau). Sau đây hãy cùng điểm lại những yếu tố cơ bản của một bài viết chuẩn seo nhé!

1. Tối ưu tiêu đề bài viết - Title Tag

Tiêu đề bài viết là đoạn mô tả ngắn 1 cách tổng quan về nội dung của bài viết. Tiêu đề bài viết được hiển thị đầu tiên trong trang kết quả tìm kiếm của Google. Đây là yếu tố quan trọng số 1 để xếp hạng các bài viết theo từ khóa. Như đã nói ở trên nếu bài viết của bạn thực sự rất hay nhưng tiêu đề bài viết lại không phản ánh được nội dung của bài cũng như không chứa từ khóa thích hợp thì.... :D
Trong Html thì thẻ tiêu đề có dạng:
<head>
<title>Đây là tiêu đề bài viết của bạn</title>
</head>
toi uu hoa the tieu de trong seo
Theo kinh nghiệm của các Seoer đi trước mà mình tham khảo được thì tối ưu tiêu đề bài viết cần chú ý những điểm sau đây:
+ Tiêu đề phải chứa từ khóa muốn seo
Đặt từ khóa của bạn vào tiêu đề sao cho tự nhiên và có nghĩa nhất. Dù cho Google hơi hơi ưu tiên bài viết có từ khóa đặt ở đầu tiêu đề nhưng quan trọng là tiêu đề của bạn là dành cho người tìm kiếm đọc. Và không nên lặp lại từ khóa trong tiêu đề quá 2 lần nhé (tốt nhất là từ khóa xuất hiện 1 lần)
+ Tiêu đề tốt nhất không dài quá 70 ký tự
Bạn có thể đặt tiêu đề dài bao nhiêu tùy ý, nhưng Google chỉ hiện thị nó với 1 độ dài nào đó. Thường thì người ta khuyến cáo nên đặt tiêu đề dưới 70 ký tự bao gồm cả khoảng trắng nhưng mình để ý thấy gần đây Google đang giảm xuống còn 60 - 65 ký tự.
+ Tiêu đề phải ăn khớp với nội dung bài viết
Google ngày càng thông minh, nó có thể hiểu bài viết của bạn hướng tới nội dung gì. Vì thế nên tránh tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó" tiêu đề 1 đằng bài viết 1 nẻo nhé. Quan trọng nhất là người tìm kiếm sẽ đánh giá xấu bài viết của bạn và sẽ một đi mà không bao giờ trở lại!
+ Tiêu đề hấp dẫn người đọc
Tiêu đề hấp dẫn giúp bạn tăng tỷ lệ CTR (Click Through Rate - tỷ lệ click). Những bài viết có CTR cao được Google chấm điểm cao hơn và xếp hạng cao hơn. Vậy tiêu đề như nào là hấp dẫn? Mời mọi người tham khảo Cách đặt tiêu đề hay và hiệu quả nhất.
+ Tránh trùng lặp tiêu đề
Nếu nhiều trang có cùng 1 tiêu đề thì các trang ấy bị lỗi trùng lặp nội dung. Điều này không tốt cho Seo. Để kiểm tra trùng lặp tiêu đề, tiêu đề dài hay ngắn, hay thiếu các bạn vào Webmaster Tool => Giao diện tìm kiếm => Cải tiến HTML => Thẻ tiêu đề

2. Tối ưu đường dẫn bài viết - URL

URL, viết tắt của Uniform Resource Locator (Định vị Tài nguyên thống nhất), được dùng để tham chiếu tới tài nguyên trên Internet. URL mang lại khả năng siêu liên kết cho các trang mạng. Các tài nguyên khác nhau được tham chiếu tới bằng địa chỉ, chính là URL, còn được gọi là địa chỉ web hay là liên kết mạng (hay ngắn gọn là liên kết).
Nói nôm na ngắn gọn thì đường dẫn URL là 1 địa chỉ để mọi người truy cập vào 1 trang web hay 1 page nào đó của trang web!
toi uu duong dan url trong seo
Để tối ưu đường dẫn chúng ta nên chú ý những điểm sau:
+ Chỉ chọn 1 đường dẫn duy nhất
Nếu 1 trang có 2, 3 hay nhiều đường dẫn thì không tốt vì Google đánh giá đây là trùng lặp nội dung và sẽ trừ điểm chất lượng. Tốt nhất là chỉ sử dụng 1 đường dẫn URL cho 1 trang. Nguyên nhân gây ra lỗi này thường là domain có www hoặc không có www, do phần lưu trữ (Archive), các phiên bản Computer, Tablet, Phone, In ấn v.v...
Sử dụng URL tĩnh
URL động là những đường dẫn chứa những ký tự đặc biệt và vô nghĩa: http://abc.com.vn/?gfe_rd=cr&ei=HIQmVKn7BYGL8QeA8YDoDA&gws_rd=ssl còn URL tĩnh là những đường dẫn được tối ưu chỉ chứa chữ và 1 vài ký tự khác có ngữ nghĩa. Ví dụ: http://abc.com.vn/duong-dan-url-tinh.html 
URL tĩnh vừa ngắn gọn, lại có nghĩa nên có thể chèn từ khóa để seo. Mặt khác URL tĩnh giúp người đọc ít nghi ngờ khi nhấp vào liên kết nên tỷ lệ CTR cao.
+ Chứa từ khóa trong URL
Nên chèn từ khóa vào URL vì đây là 1 trong 3 yếu tố cơ bản để xếp hạng từ khóa. Thường thì người ta đặt URL giống với tiệu đề bài viết nên cũng chứa luôn  từ khóa trong đó.
+ Sử dụng dấu gạch ngang (-) để phân cách
Phân cách từ ngữ trong URL bằng dấu "-" sẽ làm cho công cụ tìm kiếm dễ dàng hiểu được cấu trúc URL của bạn là gì và hiểu chính xác từ khóa được bắt đầu và kết thúc như thế nào. Google hiểu dấu gạch ngang là dấu cách hay khoảng trắng, còn nếu như bạn dùng dấu gạch dưới "_" hay dấu cộng "+" thì Google sẽ hiểu nhầm đó là 1 từ khóa!
+ Hạn chế số lượng ký tự
Trên SERP thì Google luôn hạn chế số lượng ký tự hiển thị và với URL cũng vậy. Những URL dài sẽ bị ẩn đi 1 phần. Vì thế ta nên dùng đường dẫn ngắn gọn, xúc tích và nên ít hơn 100 ký tự.
+ Sử dụng chữ thường
Nên sử dụng đồng nhất kiểu chữ thường cho URL để Spiders thu thập thông tin tốt hơn.
+ Cố định URL
Không nên thay đổi địa chỉ liên kết, chỉ nên sử dụng 1 lần duy nhất. Nếu bạn thay đổi địa chỉ thì địa chỉ cũ của bạn vẫn được Spiders thu thập và báo lỗi không tìm thấy 404. Điều này không tốt cho Seo.
+ Độ sâu hợp lý
Độ sâu của URL liên quan tới danh mục của website. Thường thì các website có cấu trúc Homepage => Products => Product A, B, C. Như vậy URL của sản phẩm A hay B hay C sẽ là: http://abc.com/products/product-a.html và đây là liên kết cấp độ 3. Tốt nhất chúng ta chỉ nên dừng lại ở cấp độ 2 hoặc 3 vì càng cấp độ cao Google sẽ đánh giá mức độ quan trọng càng thấp.

3. Tối ưu thẻ mô tả bài viết - Meta Description Tag

Thẻ mô tả bài viết - Meta Description Tag là một đoạn văn ngắn mô tả khái quát nội dung chính của bài viết. Thẻ mô tả cung cấp cho các công cụ tìm kiếm và người đọc những nội dung tổng quan về trang web. Thẻ mô tả là 1 trong 3 yếu tố được hiển thị trong bảng kết quả tìm kiếm của trang tìm kiếm. Trong Html thì thẻ mô tả có dạng như sau:
<head>
<meta name="description" content="Đây là đoạn mô tả về trang web">
</head>
the mo ta - meta description
Nếu trang web của bạn có thẻ Meta Description thì Google sẽ lấy thẻ này để hiện thị khi người đọc tìm kiếm theo từ khóa. Tuy nhiên, Google cũng có thể tự chọn ra 1 đoạn văn ngẫu nhiên từ trang web để làm mô tả sao cho khớp với truy vấn của người dùng. Để tối ưu thẻ mô tả, chúng ta cần chú ý một số điểm sau:
+ Mô tả chính xác nội dung của trang web
Hãy chọn lọc ra những ý chính của trang rồi tạo thành 1 đoạn mô tả chính xác cho các ý chính ấy. Thẻ mô tả giúp người đọc hình dung được bài viết này nói về vấn đề gì và nếu thẻ mô tả của bạn hấp dẫn thì người đọc sẽ click vào mà không chút phân vân đâu (CTR cao ngất ngưởng đấy nhé :D)
Đặc biệt tránh tình trạng tiêu đề, nội dung một nơi mà mô tả một nẻo nhé. Tưởng tượng rằng đề bài là miêu tả con trâu mà bạn lại mô tả con bò thì sao nhỉ?
+ Chứa từ khóa trong thẻ mô tả
Hãy chèn 1 hoặc 2 từ khóa chính mà bạn muốn Seo vào mô tả. Nếu từ khóa ở đầu mô tả thì càng tốt. Tránh nhồi nhét từ khóa mà hãy mô tả cho thật tự nhiên nhất.
+ Độ dài hợp lý
Trên SERP, Google chỉ hiển thị đoạn mô tả của bạn khoảng 150 - 160 ký tự bao gồm cả khoảng trắng. Nếu mô tả quá dài nó sẽ bị giấu đi. Tốt nhất nên để mô tả ở độ dài 150 ký tự!
+ Tránh trùng lặp thẻ mô tả trên nhiều trang
Tốt nhất nên sử dụng thẻ mô tả khác nhau trên các trang khác nhau. Vì nếu có quá nhiều thẻ mô tả giống nhau bạn sẽ bị lỗi trùng lặp nội dung. Để kiểm tra xem website có bị lỗi trùng lặp thẻ mô tả hay không, bạn vào Webmaster Tool => Giao diện tìm kiếm => Cải tiến HTML => Mô tả Meta

4. Tối ưu thẻ Heading - Headers Tag

Thẻ Heading được sử dụng để nhấn mạnh đến chủ đề mà chúng ta định nói đến trong cả hoặc phần văn bản nào đó. Trong Seo thì thẻ Heading gồm 6 loại từ H1, H2, H3....H6. Tầm quan trọng và mức độ ưu tiên của H1 là cao nhất sau đó tới H2 rồi giảm dần tới H6. Trong Html thẻ Heading có dạng:
<h1>Đây là heading 1</h1>
<h2>Đây là heading 2</h2>
<h3>Đây là heading 3</h3>
<h4>Đây là heading 4</h4>
<h5>Đây là heading 5</h5>
<h6>Đây là heading 6</h6>
Tác dụng của Heading là nhấn mạnh cho Google bot và người đọc biết phần văn bản sau đó muốn nói tới nội dung gì. Thẻ Heading là 1 trong các yếu tố cơ bản để xếp hạng từ khóa. Nhưng sử dụng chúng như thế nào thì đúng và hợp lý?
+ Thẻ Heading H1:
Nhấn mạnh nội dung chính của văn bản. Thường thì người ta sử dụng tiêu đề để làm thẻ H1 luôn vì tiêu đề nói lên nội dung chính khái quát và chứa từ khóa chính cần Seo. Bạn cũng có thể tự tạo ra thẻ H1 khác mà không sử dụng tiêu đề nhưng hãy lưu ý là phải chứa từ khóa và chỉ sử dụng 1 thẻ H1 là hợp lý thôi nhé!
+ Thẻ Heading H2:
Nhấn mạnh từng ý chính nhỏ hơn để bổ trợ cho thẻ H1. Thường thì ta dùng từ 3 - 5 thẻ H2 trong bài và nên chèn từ khóa phụ vào thẻ này!
+ Thẻ Heading H3:
Mô tả cụ thể từng ý chi tiết nhỏ hơn. Thường thì người ta cũng dùng từ 3 - 5 thẻ H3 trong bài. Nên chèn từ khóa phụ dài vào thẻ này!
+ Thẻ Heading H4, H5 & H6:
Ít quan trọng nhất và cũng hiếm khi được sử dụng.

5. Tối ưu hình ảnh - Images

Hình ảnh trong Seo khá quan trọng. Google giành riêng 1 phần chuyên biệt để tìm kiếm hình ảnh vì vậy nếu làm tốt phần Seo hình ảnh bạn sẽ có thêm 1 cơ hội lớn để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Trong Html hình ảnh có dạng sau:
<img src="ellytran.jpg" alt="Hot girl vong 1">
toi uu hoa hinh anh - seo images
Hình ảnh không giống như văn bản vì thế nên Google không thể hiểu hình ảnh của bạn đang nói về vấn đề gì. Chúng chỉ đọc được tiêu đề hình ảnh, Alt text và chú thích của hình ảnh mà thôi. Vậy khi Seo hình ảnh chúng ta cần chú ý những vấn đề sau:
+ Tên hình ảnh
Chưa có tài liệu nào công bố về việc tên của hình ảnh liên quan tới việc xếp hạng hình ảnh nhưng rất nhiều chuyên gia Seo cho rằng không nên để tên hình ảnh vô nghĩa ví dụ như IMG0001 hoặc HINH0001. Bạn nên đặt tên chính xác cho hình ảnh theo nội dung của nó và chứa từ khóa cần seo thì càng tốt.
+ Thuộc tính Alt Text
Đây là yếu tố mà Google thu thập để hiểu nội dung hình ảnh và xếp hạng chúng. Alt text hay còn gọi là thuộc tính Alt là 1 đoạn văn bản đại diện cho 1 liên kết hoặc hình ảnh. Trong những trường hợp mà không thể tải được hình ảnh thì văn bản Alt sẽ được hiển thị thay thế cho hình ảnh. Hãy đặt từ khóa chính vào thuộc tính Alt và làm sao cho Alt text thật độc đáo!
+ Chú thích hình ảnh
Đây là dòng mô tả cho hình ảnh được đặt dưới hình ảnh. Nếu như xem Alt text là tiêu đề của hình ảnh thì chú thích chính là thẻ mô tả của hình ảnh. Hãy đặt chú thích cho hình ảnh thật chính xác, độc đáo và đừng quên từ khóa nhé.
+ Dung lượng hình ảnh
Dung lượng hình ảnh không ảnh hưởng trực tiếp tới Seo nhưng nó ảnh hưởng tới tốc độ tải trang - Time load page. Nếu có quá nhiều hình ảnh và hình ảnh dung lượng cao thì trang càng nặng và thời gian tải trang càng lâu. Mà thời gian tải trang - Page speed lại là yếu tố quan trọng trong Seo Onpage.
Có 3 yếu tố ảnh hưởng tới dung lượng hình ảnh đó là:
_Kích thước hình ảnh
Kích thước càng lớn thì dung lượng càng cao. Thường thì chúng ta nên sử kích thước chuẩn là 680x480 pixel
_Độ phân giải hình ảnh
Độ phân giải càng lớn thì dung lượng càng cao. Để sử dụng cho website thì hình ảnh nên để ở 72 pixel/inch là đủ.
_Định dạng hình ảnh
Hình ảnh ở các định dạng khác nhau thì dung lượng khác nhau. Mình đã test thử xem thế nào và kết quả là cùng 1 nội dung nhưng hình JPEG chỉ nặng 183kb, hình GIF nặng 690kb còn hình PNG thì nặng 720kg. Kết luận lại thì hình JPEG nhẹ nhất (vì là hình đã được nén).

6. Tối ưu mật độ từ khóa - Keyword Density

Mật độ từ khóa là tỷ lệ phần trăm giữa tổng số ký tự của từ khóa trên tổng số ký tự trên toàn trang (page).
Ví dụ từ khóa của chúng ta là "học seo" có 8 ký tự bao gồm khoảng trắng xuất hiện 5 lần trên trang có tổng số ký tự là 800 ký tự thì mật độ từ khóa "học seo" sẽ là 8*5/800=5%
Có nhiều ý kiến của chuyên gia Seo về tỷ lệ vàng của từ khóa. Có ý kiến cho rằng 1-3% là đủ, có người thì nói 5-7% và có ý kiến thì cho rằng <5% là chuẩn nhất. Tuy nhiên, việc tính toán quá kỹ lưỡng đôi khi khiến chúng ta không thể viết bài sao cho tự nhiên nhất. Tốt nhất chúng ta cứ phân bổ từ khóa sao cho tự nhiên nhất và nằm trong khoảng 3-7% là hợp lý!
Có nhiều cách để bạn kiểm tra mật độ từ khóa. Cách thủ công nhất là ngồi đếm (chắc tới sáng chưa xong), cách thứ 2 là dùng công cụ. Có rất nhiều công cụ hỗ trợ cho việc này nhưng tiện ích nhất vẫn là các Addon như SEOquake hay Quirk SearchStatus v.v...
Nếu như trước đây, Google chưa chú trọng vào Keyword Density thì các Seoer chỉ chăm chú nhồi nhét từ khóa thì chắc chắn sẽ được lên top. Còn bây giờ khi mà Google đã thông minh hơn nhiều thì những website sử dụng thủ thuật xấu như chữ ẩn, chữ trùng với màu nền v.v.. sẽ bị phạt rất nặng tay!

7. Liên kết nội bộ - Internal Link

Internal Link là liên kết nội bộ trong cùng 1 website cùng 1 domain. Internal Link được coi là bộ khung kết nối các phần của website lại với nhau.
Internal Link rất quan trọng với website nói chung và cả Seo nói riêng. Nếu sử dụng liên kết nội bộ hợp lý sẽ mạng đến những lợi ích sau:
+ Tăng Pageview và giảm Boundrate
Khi người đọc vào trang đích (Landing Page) của bạn của bạn từ 1 trang giới thiệu nào đó. Sau khi họ đã tìm hiểu thông tin trên trang đích, Internal Link có tác dụng điều hướng họ đi tới những trang khác của website. Điều này làm tăng số trang/lần truy cập và giảm tỷ lệ thoát xuống. Đây là hai yếu tố khá quan trọng trong Seo.
+ Tăng Time on pages
Thay vì chỉ dành thời gian đọc 1 trang duy nhất, người đọc sẽ đi theo hệ thống liên kết nội bộ của bạn để đọc những nội dung khác qua đó kéo dài thời gian của họ trên web của bạn.
+ Giúp Spiders Index tốt và nhanh hơn
Khi Spiders dò quét website, nó sẽ đi từ trang này đến trang khác để dò quét thông tin theo các liên kết. Chỉ khi nào gặp trang bị cấm hoặc không có liên kết thì nó mới dừng lại. Một hệ thống liên kết nội bộ tuần hoàn, liên kết chặt chẽ với nhau sẽ giúp bọ tìm kiếm ở lại trên web bạn lâu hơn và dò quét nhiều hơn.
+ Lan truyền Link Juice cho toàn trang web
Link Juice hiểu 1 cách nôm na là chất lượng của liên kết. Khi 1 trang được nhiều liên kết từ các trang khác (trang uy tín) trỏ về thì trang đó có Link Juice tốt. Thông thường thì trang chủ của website sẽ có lượng Link Juice cao nhất.
Cũng giống như PageRank, Link Juice cũng có tính lan truyền vì thế những liên kết nội bộ sẽ giúp các trang yếu hơn được nhận "sức mạnh" từ những trang khỏe hơn!

8. In đậm từ khóa

Thẻ in đậm <b> hay <trong> là thẻ dùng để bôi đậm một chữ, đoạn văn nào đó mà chúng ta muốn nhấn mạnh. Trong Html nó có dạng:
<p><b>This text is bold</b>.</p>
<p><strong>This text is bold</strong>.</p>
Chúng ta sử dụng thẻ in đậm để làm nổi bật từ hoặc cụm từ nào đó so với các từ khác. Tác dụng của thẻ in đậm là hướng người đọc chú ý vào chi tiết đó, nhấn mạnh nó quan trọng. Và tất nhiên các Spider cũng hiểu điều này vì thế nên khi viết bài, ta nên in đậm những từ khóa chính để Spiders hiểu đây là những từ quan trọng.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì ta nên sử dụng thẻ <strong> hơn vì thẻ này nhấn mạnh tầm quan trọng của từ khóa. Và không nên sử dụng quá nhiều thẻ in đậm trong cùng 1 bài viết cho cùng 1 từ khóa vì như thế bọ tìm kiếm sẽ hiểu là bạn đang cố tình Seo quá mức!

No comments

Powered by Blogger.