Header Ads

Học Seo Onpage: Kiến thức cơ bản

Trước khi chúng ta bắt tay vào Seo web thì công việc đầu tiên phải làm là chỉnh sửa, tuốt lại Seo Onpage sao cho ngon ngẻ, chuẩn theo bác Google! Ví như các cụ ngày xưa có câu "An cư thì mới lạc nghiệp" thì dân Seo có câu "Onpage xong thì mới đi Link". Việc Seo Onpage cơ bản được chia ra làm 3 mảng quan trọng như sau:
hoc-seo-web-on-page
Seo Onpage quan trọng như động cơ của chiếc xe vậy!

1. Nội dung - Yếu tố quan trọng nhất của Seo Onpage!

Khi bắt tay vào tìm hiểu nghề seo web chắc chắn các bạn sẽ nghe khắp nơi cụm từ "Content is king". Đây là tôn chỉ của nghề Seo chân chính. Tại sao lại vậy? Đơn giản vì nếu không có nội dung thì website của bạn chẳng có chút giá trị nào đối với khách hàng. Khách hàng sẽ chẳng bao giờ dừng chân lại 1 website nghèo nàn về nội dung nào quá 1 phút đâu! Sau đây là những điều bạn cần lưu ý khi tạo ra nội dung:

1.1. Nội dung chất lượng:

Trên tất cả, nội dung chất lượng là yếu tố sống còn. Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, bạn phải chứng tỏ là tốt nhất, chất lượng nhất và nổi bật nhất thì mới mong có cơ hội chiến thắng. Bạn nghĩ sao nếu độc giả vào website của bạn mà chẳng thu thập được 1 thông tin hữu ích gì hoặc nếu có thì cũng chỉ là những thông tin chung chung mà ở đâu họ cũng tìm ra được!!! Nội dung chất lượng sẽ giúp bạn thu hút được độc giả và biến họ thành độc giả trung thành (Fan) của bạn đấy!

1.2. Chứa từ khóa trong nội dung:

Nội dung chất lượng phải đi kèm với những từ khóa chủ chốt. Lấy ví dụ, bạn có 1 bài viết rất chất lượng  về nội dung nhưng lại sử dụng từ ngữ ít người tìm kiếm thì sẽ chẳng có ai tìm ra bạn đâu. Google sắp xếp thứ hạng website theo từng từ khóa (nội dung mà độc giả gõ vào ô tìm kiếm) nên trước khi viết nội dung bạn phải tìm hiểu độc giả thường tìm kiếm nội dung ấy bằng từ khóa nào nhiều nhất nhé! Công đoạn này là nghiên cứu từ khóa.
Nội dung chứa từ khóa thôi thì chưa đủ mà phải chứa từ khóa với tỷ lệ hợp lý thì mới có tác dụng. Google rất ghét những website cố tình nhồi nhét từ khóa vào bài viết hòng qua mắt họ. Thường thì tỷ lệ từ khóa trên toàn bộ văn bản khoảng từ 3-5% là hợp lý nhất. Vì thế bạn cần phân bổ từ khóa sao cho hợp lý mà không mất đi nội dung chính của văn bản. Mẹo nhỏ cho bạn là tối ưu cùng lúc 2 hay 3 từ khóa cùng chủ đề, cùng nghĩa hoặc những từ khóa dài hơn!
Ví dụ: Từ khóa chính: "hoc seo", "học seo"
          Từ khóa cùng chủ đề, nghĩa: "tu hoc seo", "tự học seo"
          Từ khóa dài: "hoc seo nhu the nao", "hoc seo hieu qua", "hoc seo o tphcm"....

1.3. Nội dung độc đáo, tươi mới và mang tính thảo luận.

Bạn nghĩ sao nếu website của bạn cũng giống như hàng trăm ngàn website khác, nếu như vậy chúng ta sẽ có hàng trăm bản copy của 1 bản gốc. Nội dung độc đáo, tươi mới sẽ giúp bạn tạo ra sự khác biệt trong nhận thức của độc giả cũng như Google. Văn phong diễn đạt, ý tưởng sáng tạo sẽ giúp bạn tránh được điều này. Từ những khúc gỗ sơ sài giống nhau, bạn phải tự tạo ra 1 tác phẩm đẹp cho riêng mình nhưng vẫn phải dữ được cái chất của gỗ!
Nội dung mang tính thảo luận. Đã qua rồi cái thời website 1.0 tức là những website truyền tải thông tin 1 chiều, mang tính phổ biến chứ không phải là thảo luận, tranh luận. Độc giả ngày nay thích được thể hiện suy nghĩ, sự đánh giá của mình đối với sản phẩm, dịch vụ hơn. Qua thảo luận, tranh luận sẽ giúp bạn hiểu khách hàng hơn, chăm sóc tốt hơn!

2. HTML Code - Yếu tố quan trọng với Spiders

html-code-seo-web

HTML là viết tắt của cụm từ Hypertext Markup Language (Nghĩa là "ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản bằng thẻ"). Nó không phải là ngôn ngữ lập trình máy tính mà là 1 ngôn ngữ sử dụng các thẻ html để biểu diễn các trang web. HTML Code là những gì mà Googlebot hay các Spiders khác sẽ thu thập và làm việc trên website của bạn. Vì thế bạn phải biết những thẻ Html quan trọng sau đây để Seo tốt:

2.1. HTML Title Tag - Thẻ tiêu đề

Title Tag hay thẻ tiêu đề để nói lên nội dung chính của bài viết, trang web. Nó là 1 trong những yếu tố quan trọng nhất để Google xếp hạng trang web của bạn. Thẻ Title Tag nằm trong thẻ <head> và có dạng như sau:
<html>       
<head>
<title>Đây là tiêu đề của trang web </title>
</head>
</html>
Chú ý khi đặt tiêu đề cho bài viết, tiêu đề phải chứa từ khóa chính, độ dài khoảng dưới 60 ký tự thì hợp lý.v.v... Còn nhiều vấn đề liên quan tới việc đặt thẻ tiêu đề cho bài viết mình sẽ trình bày ở bài sau.

2.2. Meta Description Tag - Thẻ mô tả

Sau thẻ tiêu đề bài viết thì điều tiếp theo bạn phải làm là tối ưu thẻ mô tả - Meta description Tag. Thẻ mô tả là phần văn bản hiển thị ngay bên dưới tiêu đề bài viết trong kết quả tìm kiếm. Trong Html nó có dạng như sau:
<html> 
<head>
<meta name="description" content="Đây là phần mô tả của bài viết. Tốt nhất ko dài quá 150 ký tự nhé!">
</head>
</html> 
Thẻ mô tả giúp người đọc và Google biết nội dung khái quát của trang đang đề cập về vấn đề gì. Khi hiển thị trên Google phần mô tả này chỉ hiển thị tối đa khoảng 150 ký tự. Lời khuyên ở đây là thẻ mô tả nên ngắn gọn xúc tích, phản ánh nội dung của bài viết, chứa từ khóa ở đầu đoạn và không nên dài quá 150 ký tự!

2.3. Header Tag - Tiêu đề con

Header Tag là những tiêu đề con nói lên nội dung chính của đoạn văn trong văn bản. Nó tương tự như thời học sinh ghi chép bài của chúng ta vậy. Ví dụ thế này, đầu tiên là tiêu đề của bài học: "Loài khủng long" (Title Tag và cũng là thẻ Header 1) sau đó tới phần 1. "Khủng long là gì?" rồi phần 2. "Đặc điểm của loài khủng long" (đây chính là Header 2). Trong phần 2. "Đặc điểm của loài khủng long" lại chia ra những phần nhỏ hơn là a. "Khủng long là loài bò sát", b. "Khủng long đã tuyệt chủng" v.v...đấy chính là Header 3.
Trong Seo chúng ta có H1, H2, H3.....H6. Tuy nhiên, thường thì chúng ta chỉ sử dụng H1, H2 và H3 thôi. Trong Html thì thẻ Header Tag có dạng như sau:
<html>
<body>
<h1>This is heading 1</h1>
<h2>This is heading 2</h2>
<h3>This is heading 3</h3>
...
</body>
</html>
Header Tag nên từ khóa chính của bài viết và đừng quên rằng thẻ Header phải nói lên nội dung chính của đoạn văn sau nó đấy nhé!

2.4. Những yếu tố khác

Còn rất nhiều yếu tố liên quan tới Html khác ảnh hưởng tới Seo nữa mà mình sẽ trình bày ở bài sau. Trước mắt các bạn cứ tập trung Seo cho 3 yếu tố trên là đã thành công tới 90% phần Html rồi đấy!

3. Site Architecture - Cấu trúc website

Đây là phần phức tạp nhất của Seo vì nó liên quan tới Code website. Không phải ai cũng dễ dàng sử lý được vì nó liên quan tới kiến thức code, lập trình. Chính vì vậy mà dân IT, lập trình web mới có lợi thế rất lớn khi chuyển sang làm Seo web, còn những ai học kinh tế rồi chuyển sang làm seo thì sẽ dở khóc dở cười khi gặp anh này!!! Có nhiều yếu tố trong phần này nhưng tựu chung lại có 4 yếu tố quan trọng nhất sau đây:

3.1. Site Crawlability - Khả năng dò quét website

Nói thế nào nhỉ, khả năng dò quét cực kỳ quan trọng, nó quyết định tới việc website của bạn có suất hiện trên các trang tìm kiếm hay không. Khi các Spider "crawl" website của bạn, nó sẽ đi từ trang này sang trang khác rất nhanh. Sau đó nó tạo ra các bản copy của các trang đã quét rồi gửi chúng về "kho lưu trữ" của bộ máy tìm kiếm. Khi có người tìm , bộ máy tìm kiếm sẽ tìm trong kho của nó những trang tốt nhất có liên quan đã được bọ tìm kiếm thu thập gửi về để hiển thị ra trang kết quả. Để được xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm, website phải có mặt trong "kho lưu trữ". Để có mặt trong "kho lưu trữ", website phải được dò quét (Site Crawlability).
Thông thường, các website không có những yếu tố giúp bọ tìm kiếm dễ dàng hơn khi dò quét. Ví dụ như cấu trúc link nội bộ không tốt, nhiều file JavaScript hoặc Flash, sơ đồ trang web, hoặc những chỉ dẫn cho bọ tìm kiếm...
Để khắc phục, bạn nên tạo cấu trúc link nội bộ hợp lý, liên kết chặt chẽ với nhau để bọ tìm kiếm có thể dò quét hết các trang. Tạo sơ đồ trang web - sitemap.xml để thông báo cho Spider biết cấu trúc trang web của bạn. Tạo file Robot.txt để chỉ định Spiders dò quét trang web theo ý của mình. Chi tiết mình sẽ trình bày ở các bài viết sau.

3.2. Duplication - Trùng lặp nội dung

Nội dung trùng lặp là 1 nội dung xuất hiện trên nhiều hơn một địa chỉ web (URL). Đây là một vấn đề, bởi vì khi có nhiều hơn 1 đoạn nội dung giống hệt nhau trên Internet sẽ gây khó khăn cho công cụ tìm kiếm để quyết định phiên bản nào phù hợp hơn với một truy vấn tìm kiếm nhất định. Thường thì các trang tìm kiếm không thể phân biệt rõ bản gốc và bản copy nên sẽ xảy ra trường hợp nội dung gốc bị xếp sau nội dung copy...
Google đặc biệt không thích trùng lặp nội dung, dù cho đã có nhiều thuật toán, công cụ để Google xử lý tình trạng này nhưng thực sự mà nói khó có thể chính xác 100% được. Vì vậy, Google khuyến khích bạn tạo ra nội dung fresh, unique và original!
Trùng lặp nội dung do nhiều lý do gây ra, có trùng lặp không có hại và có trùng lặp có hại. Đa số trùng lặp nội dung các bạn hay bị là trùng lặp trên website do phần lưu trữ (Archive), các phiên bản Computer, Tablet, Phone, In ấn v.v... Nhưng đặc biệt lỗi trùng lặp nội dung do copy bài của trang khác bị xử lý rất nặng tay, Google đã tung thuật toán Panda để xử phạt những website có nội dung kém và copy rồi đấy nhé!
Có nhiều cách để xử lý trùng lặp nội dung như dùng thẻ Canonical, Redirect 301, No index, follow.... Cụ thể mình sẽ trình bày ở bài sau!

3.3. Site Speed - Tốc độ tải trang

Bạn thấy thế nào khi click vào 1 website rồi sau đó đợi 10s, 20s, 30s... mà vẫn chưa load xong. Phản xạ tự nhiên của bạn là tắt ngay trang đó đi và tìm 1 website khác có nội dung tương tự! Google cũng thế, họ không thích những website có tốc độ chậm vì người đọc không thích các trang này. Những website có tốc độ tải trang nhanh được Google đánh giá cao hơn!
Có nhiều cách để tăng tốc độ tải trang, nhưng có điều nó liên quan tới code website là chủ yếu. Vì vậy việc bạn cần làm là tìm ra lỗi gây chậm tốc độ tải trang và phương án xử lý.
Thật may cho chúng ta là Google có cung cấp 1 công cụ giúp ta xử lý vấn đề này đó là Google Pagespeed Insights. Nó thật sự là 1 công cụ đắc lực cho chúng ta đấy!

3.4. URL - Địa chỉ liên kết

Nếu là bạn thì bạn thích nhấp vào địa chỉ liên kết nào trong 2 địa chỉ sau dù biết rằng chúng có cùng 1 nội dung?
http://abc.com/gfe_rd=cr&ei=QHXTU6uLEuqK8Qf194DYCw&gws_rd=ssl
http://abc.com/products/abc-bakery.html
Các bạn thấy đấy đa số chúng ta sẽ nhấp vào địa chỉ thứ 2 đúng không vì thế địa chỉ URL là 1 trong những yếu tố quan trọng của Seo. Nó có thể cung cấp cho người đọc, bọ tìm kiếm biết nội dung của trang, bài viết. Bên cạnh đó, địa chỉ liên kết nhìn gọn gàng, bắt mắt, có nghĩa sẽ đáng tin cậy hơn nhiều đúng không?
Hãy tạo ra những địa chỉ liên kết có nghĩa, gọn gàng, dễ hiểu để người đọc cũng như Google tin tưởng bạn hơn nhé!

4. Kết luận

Nói đến Seo Onpage thì có mà kể cả ngày cũng không hết. Mình chỉ sơ lược một vài yếu tố quan trọng và khái quát ra thôi. Những bài sau mình sẽ đi vào chi tiết từng phần và cụ thể hơn. Hy vọng bài này sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan nhất về Seo Onpage nhé. Cảm ơn vì dành thời gian để đọc vì bài hơi dài ;)

No comments

Powered by Blogger.